Dấu hiệu thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp nên được chẩn đoán bởi các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp. Bệnh sẽ được xác định thông qua triệu chứng, chụp X-quang, và các xét nghiệm máu, dịch khớp cũng như những kiểm tra vật lý của khớp.

1. Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương mạn tính ở sụn khớp và mô xương dưới sụn, kèm theo phản ứng viêm và lượng dịch khớp giảm. Biểu hiện lâm sàng là đau khớp mạn tính, không có biểu hiện viêm. Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa của sụn khớp, kèm theo những thay đổi của phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch. Nguyên nhân chính của bệnh là quá trình lão hóa và tình trạng chịu áp lực quá tải kéo dài của sụn khớp.

Thoái hóa khớp là bệnh lý khớp thường gặp nhất ở người ở độ tuổi trung niên và người lớn tuổi. Thoái hóa khớp thường xuất hiện trên những khớp chịu lực lớn của cơ thể như: 

- Thoái hóa khớp gối

- Thoái hóa khớp háng

- Thoái hóa khớp ngón tay và bàn tay

- Thoái hóa cột sống lưng và cột sống cổ

- Thoái hóa khớp vai

- Thoái hóa khớp cổ chân

Theo WHO, năm 2010, 10 – 15% người từ 60 tuổi trở lên mắc thoái hóa khớp (tỉ lệ mắc ở phụ nữ cao hơn nam giới), và đến năm 2050 sẽ có 130 triệu người mắc thoái hóa khớp, 40 triệu người tàn tật do thoái hóa khớp

Theo nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hòa Kỳ (CDC - Centers for Disease Control and Prevention), tỷ lệ của 1 người lớn tuổi mắc thoái hóa khớp gối lên tới 46%, và thoái hóa khớp háng là 25% trong suốt quãng đời của chúng ta

Thoái hoá khớp gối

2. Nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp

Nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa khớp là do các tác động cơ học lâu dài và quá trình lão hóa tự nhiên xảy ra bên trong cơ thể, tuổi tác càng cao thì tình trạng lão hóa các cơ quan càng mạnh trong đó có khớp xương. Ngoài ra còn có các yếu tố như: di truyền, tình trạng béo phì, chấn thương, luyện tập thể dục thể thao quá mức, chế độ ăn uống…

Lão hóa: Thoái hóa khớp thường bắt đầu xuất hiện từ sau tuổi 40. Tuổi càng cao thì tỉ lệ mắc bệnh càng tăng. Khi tuổi còn trẻ các tế bào sụn liên tục được sinh ra, nhưng khi trưởng thành các tế bào sụn giảm dần khả năng sinh sản và tái tạo. Khi tuổi càng cao, cùng với sự lão hóa của cơ thể, các tế bào sụn cũng giảm dần về số lượng và giảm khả năng tổng hợp chất tạo nên sợi colagen và mucopolysacarit, làm cho chất lượng sụn kém dần nhất là tính đàn hồi và khả năng chịu lực. Sụn khớp được nuối dưỡng bởi dịch thấm từ các mạch máu ở phần xương dưới sụn. Loãng xương cùng với các thương tổn mạch máu ở người cao tuổi làm cho dĩnh dưỡng sụn khớp bị suy giảm. Các yếu tố trên làm cho sụn khớp bị thoái hóa, mỏng đi, kém tính bền chắc và trở nên mủn dễ bị dập vỡ dưới tác dụng của lực cơ học.

Thoái hóa khớp là quy luật tự nhiên, tuy nhiên, tùy vào cơ địa, thói quen sinh hoạt, chất lượng cuộc sống mà quá trình thoái hóa đến sớm hay muộn, tiến triển nhanh hay chậm

Gen di truyền: Một số bệnh khớp có liên quan đến gen di truyền, những người này thường có khiếm khuyết ở gen tổng hợp collagen và proteogycan là các thành phần cấu tạo chính của sụn. Ngoài ra những người có cơ địa già sớm cũng xuất hiện thoái hóa khớp sớm.

Béo phì: Người béo phì làm khớp gối, khớp háng và cột sống thắt lưng thường xuyên quá tải, thêm nữa mô mỡ giải phóng ra các cytokin viêm tác động lên mô sụn gây tổn thương sụn. Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho kết quả tương tự với các tác giả nước ngoài và trong nước cho thấy người béo phì có tỉ lệ thoái hóa khớp gối và khớp háng cao hơn người không béo phì ở cùng độ tuổi gấp 2,3 lần.

Tăng tải trọng lên khớp: Tăng tải trọng lên khớp do nghề nghiệp, những người thường xuyên phải mang vác nặng như công nhân khuân vác, thợ xây dựng... thì cột sống, khớp gối, khớp háng bị thoái hóa sớm. Những bộ tộc có thói quen đội các vật nặng lên đầu để vận chuyển thường bị thoái hóa cột sống cổ sớm ...

Dị dạng bẩm sinh xương khớp: Các dị dạng bẩm sinh hệ xương khớp làm thay đổi diện tỳ nén bình thường của khớp và cột sống, vùng diện khớp bị tì nén nhiều hơn thì sụn khớp bị tổn thương sớm, làm khớp bị thoái hóa sớm hơn. Người có bất thường hệ xương khớp bẩm sinh hoặc xảy ra lúc trẻ sẽ dẫn đến thoái hóa khớp sớm và trầm trọng hơn bình thường.

Tổn thương cơ học: Các khớp có tiền sử bị bị tổn thương do các chấn thương cơ học hoặc hoạt động quá mức như chơi thể thao, lao động mang vác nặng. Các biến dạng thứ phát sau chấn thương, u, loạn sản, làm thay đổi mối tương quan của lực cơ học tác động lên diện khớp, hình thái của khớp và cột sống, dẫn đến thoái hóa khớp sớm hơn các khớp khác.

Nội tiết: tuổi mãn kinh, đái tháo đường, loãng xương do nội tiết.

Bệnh chuyển hóa: bệnh gút, bệnh da sạm màu nâu.

3. Các triệu chứng của bệnh thoái hoá khớp

Đau nhức trong khớp: Đây là triệu chứng thường gặp nhất khi bị thoái hóa khớp. Các cơn đau thường xuất hiện âm ỉ hoặc cấp tính gây ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động. Khi bệnh đang ở giai đoạn nhẹ, các cơn đau này chỉ xuất hiện khi người bệnh vận động khớp và biến mất nhanh chóng sau đó, lâu dần chúng sẽ gây ra các cơn đau nhức dữ dội và kéo dài. Đặc biệt, khi thời tiết có sự thay đổi chuyển lạnh đột ngột sẽ khiến cơn đau trở nên trầm trọng hơn

Cứng khớp: Triệu chứng cứng khớp thường sẽ xuất hiện đi kèm theo các cơn đau, đặc biệt là vào mỗi buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy. Lúc này các khớp bị đau sẽ không thể cử động, tình trạng này sẽ giảm dần nếu người bệnh nghỉ ngơi sau khoảng 30 phút. Nếu để bệnh kéo dài thì triệu chứng cứng khớp sẽ kéo dài dai dẳng, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động và đời sống sinh hoạt hàng ngày

Sưng to tại khớp: Thoái hóa khớp kéo dài thường dẫn đến tình trạng sưng tấy làm biến dạng các khớp và vùng cơ xung quanh khớp. Nếu không vận động trong thời gian dài sẽ gây teo cơ, đầu gối bị lệch khỏi trục,…

Tiếng lạo xạo khi cử động khớp: Người bệnh có thể cảm thấy một cảm giác nóng ran khi sử dụng khớp và có thể nghe thấy tiếng lộp cộp hoặc lách cách khi cử động

Giới hạn vận động khớp: Khả năng vận động của người bệnh cũng bị ảnh hưởng. Lúc này, người bệnh sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện một số tư thế như cúi sát đất, quay cổ,…

4. Chẩn đoán thoái hóa khớp?

Thoái hóa khớp nên được chẩn đoán bởi các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp. Bệnh sẽ được xác định thông qua triệu chứng, chụp X-quang, và các xét nghiệm máu, dịch khớp cũng như những kiểm tra vật lý của khớp.

Khi thấy có các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp, người bệnh nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra một số triệu chứng lâm sàng và chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh. Các phương pháp thường được bác sĩ chuyên khoa áp dụng để chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp:

- Chụp X-Quang

- Chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính

- Nội soi khớp

- Siêu âm khớp

- Xét nghiệm dịch khớp

Sau khi thăm khám, dựa vào kết quả chẩn đoán bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với từng đối tượng

 

Bài viết liên quan
0.44898 sec| 870.5 kb