1. Làm giảm triệu chứng đau
- Duy trì, hoặc làm phục hồi chức năng của các khớp.
- Hạn chế tối đa khuyết tật.
- Tránh các tác dụng độc do dùng thuốc.
2. Các biện pháp không dùng thuốc
Cần tránh cho khớp và cột sống bị quá tải bởi vận động và trọng lượng, có thể dùng nạng một hoặc hai bên khi cần đối với thoái hóa khớp chi dưới, giảm cân khi thừa cân.
Các biện pháp vật lý trị liệu rất hữu ích trong điều trị thoái hóa khớp, như điều trị bằng nhiệt nóng, bức xạ hồng ngoại, sóng điện từ trường cao tần (sóng ngắn, sóng cực ngắn, vi sóng), tắm bùn khoáng, nước khoáng nóng… có tác dụng giảm đau, duy trì dinh dưỡng mô mềm cạnh khớp, điều chỉnh tư thế. Các bài tập thể dục như đi bộ, bơi lội, đạp xe đạp chỉ nên thực hiện khi chưa có tổn thương khớp trên X quang.
Các biện pháp y học cổ truyền như châm, cứu, xoa bóp, bấm huyệt cũng giúp giảm đau, phục hồi chức năng khớp.
3. Các biện pháp dùng thuốc
Thuốc giảm đau: Được sử dụng phổ biến là Paracetamol, Salicylate hay Aspirin. Những thuốc này hoạt động bằng cách ức chế tổng hợp Prostaglandin – một chất giữ nhiệm vụ nhận diện cơn đau trong cơ thể. Các tác dụng phụ của thuốc giảm đau bao gồm: Tổn thương gan, loét dạ dày, trầm cảm, loãng máu, suy thận, sảy thai…
Thuốc chống viêm không steroid: Được viết tắt là NSAIDs, loại thuốc này vừa có tác dụng giảm đau, vừa giúp ức chế phản ứng viêm tại khớp gối. Người bệnh có thể dùng Diclofenac, Ibuprofen hay Indomethacin theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi sử dụng nên thận trọng với các tác dụng phụ như: Kích ứng đường tiêu hóa, đau dạ dày, xuất huyết dạ dày, rối loạn tạo máu, thiếu máu.
Thuốc giãn cơ: Được chỉ định trong các trường hợp có biểu hiện co cứng khớp gây khó khăn cho việc vận động. Nhóm thuốc này bao gồm Myonal, Baclofen, Metaxalone, Cyclobenzaprine và một số thương hiệu thuốc khác. Một số tác dụng phụ của thuốc giãn cơ đã được ghi nhận: Buồn ngủ, chóng mặt, đau đầu, hạ huyết áp, căng thẳng thần kinh.
Tiêm acid hyaluronic: Đây là một chất được tìm thấy nhiều trong dịch khớp. Ở người bị thoái hóa, số lượng và chất lượng acid hyaluronic giảm đi rất nhiều. Người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định tiêm bổ sung chất này nhằm bôi trơn ở khớp, giảm đau và cứng khớp, bảo vệ lớp sụn.
Sử dụng các chất bổ sung: Chẳng hạn như Canxi, Chondroitin hay Glucosamine giúp kích thích tái tạo sụn, chất nhờn và tế bào xương cho khớp gối.
Lưu ý: Khi sử dụng thuốc cần thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng hoặc ngưng khi chưa đủ liệu trình. Ngoài ra, cần lưu ý những loại thuốc này cắt cơn đau nhanh chóng, nhưng nếu sử dụng lâu có thể ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, hệ tiêu hóa…
4. Tiêm huyết tương giàu tiều cầu tự thân (PRP) vào khớp
Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP: Platelet Rich Plasma) là huyết tương tự thân có nồng độ tiểu cầu cao gấp nhiều lần so với mức cơ bản trong máu tĩnh mạch. Cần một nồng độ lớn tiểu cầu trong liệu pháp PRP vì khi tiểu cầu được hoạt hóa sẽ dẫn đến quá trình ly giải các hạt α chứa bên trong tiểu cầu, từ đó giải phóng ra nhiều loại protein là các cytokine chống viêm và hàng chục các yếu tố tăng trưởng (growth factor) có vai trò quan trọng đối với quá trình làm lành vết thương. Các protein trên sẽ gắn vào các thụ thể (receptor) của các tế bào đích tương ứng như tế bào nguồn gốc trung mô, nguyên bào xương, nguyên bào sợi, tế bào biểu mô, tế bào nội mô… Sự gắn kết này sẽ hoạt hóa một loại protein dẫn truyền tín hiệu nội bào để truyền thông tin tới gen đặc hiệu tương ứng, kết quả là tạo nên sự tăng sinh tế bào, hình thành chất căn bản, các sản phẩm dạng xương, sụn, tổng hợp collagen… tham gia vào quá trình sửa chữa, tái tạo tổ chức tổn thương sụn, xương, phần mềm… Liệu pháp PRP tự thân được sử dụng để điều trị bệnh thoái hóa khớp gối, chấn thương thể thao, viêm gân và các điểm bám tận, kích thích lành vết thương phần mềm cũng như làm nhanh liền xương sau phẫu thuật.
Liệu pháp PRP được thực hiện bằng cách lấy máu từ chính người bệnh, sau đó tiến hành ly tâm để loại bỏ hồng cầu, bạch cầu, thu về lượng huyết tương có nồng độ tiểu cầu gấp 4-8 lần so với mức cơ bản trong máu.
Liệu trình tiêm PRP gồm ba lần tiêm. Mỗi lần tiêm cách nhau hai tuần. Lưu ý, đa số các trường hợp, sau một, hai lần tiêm không có sự chuyển biến nhiều mà cần thêm một khoảng thời gian sau khi tiêm đủ liều tổn thương mới có sự thuyên giảm. Thời gian phục hồi có thể là hai tuần hoặc kéo dài đến vài tháng sau một liệu trình điều trị, tùy mức độ tổn thương và tùy từng trường hợp cụ thể. Ngay sau khi tiêm, vùng tổn thương sẽ có phản ứng sưng, căng, đau hơn. Tuy nhiên, triệu chứng này thuyên giảm và hết sau vài ngày. Những bệnh nhân bị rối loạn đông máu thì chống chỉ định điều trị bằng liệu pháp PRP. Nếu bị nhiễm trùng da tại vị trí tiêm, cần điều trị dứt điểm mới được tiêm PRP. Những trường hợp mắc bệnh mạn tính, tuổi cao… có hiệu quả điều trị kém.
5. Điều trị ngoại khoa thoái hoá khớp
Các biện pháp điều trị ngoại khoa được chỉ định khi điều trị nội khoa không còn tác dụng, người bệnh bị hạn chế vận động nặng, khe khớp hẹp nặng, khớp bị biến dạng gây ra khuyết tật trung bình và nặng thì điều trị ngoại khoa sẽ được cân nhắc. Tùy vào tình trạng của người bệnh để chọn các biện pháp ngoại khoa khác nhau như: nội soi khớp, đục xương chỉnh trục… hoặc phẫu thuật thay một phần hoặc toàn bộ khớp.
Điều trị dưới nội soi khớp: rửa khớp, lấy bỏ các dị vật như mẩu sụn khớp bị bong, cắt bỏ sụn chêm bị tổn thương, gọt giũa bề mặt không đều của sụn,…kết quả thường tốt đối với khớp gối và khớp vai.
Phẫu thuật đục xương, chỉnh trục, chêm lại khớp, gọt giũa xương (osteotomy), làm cứng khớp. Trong đó, gọt giũa xương và chỉnh trục có hiệu quả khi có biến chứng lệch trục và như thế sẽ làm giảm đau khớp.
Phẫu thuật thay một phần hoặc toàn bộ khớp bằng khớp nhân tạo, thường chỉ định cho khớp háng, khớp gối và khớp vai.