Trào ngược bàng quang niệu quản ở trẻ em: Nhận biết dấu hiệu trẻ mắc bệnh
Khi trẻ bị Trào ngược bàng quang niệu quản, hệ thống van giữa niệu quản và bàng quang không đóng lại được khiến nước tiểu chảy ngược, kèm theo vi khuẩn xâm nhập đường tiết niệu. Nếu không được phát hiện cũng như điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng, làm tổn thương thận gây huyết áp cao ở trẻ em và giảm chức năng của thận, thậm chí gây suy thận.

Trào ngược bàng quang niệu quản là tình trạng nước tiểu từ bàng quang chảy ngược (trào ngược) lên niệu quản và thận.

Thông thường, nước tiểu sẽ từ thận đi qua ống niệu quản chảy xuống bàng quang và thải ra ngoài theo đường niệu đạo, chỗ nối bàng quang niệu quản có hệ thống van một chiều giúp ngăn nước tiểu chảy ngược lên phía thận. 

Do vậy, Vietmedic xin cung cấp các thông tin dưới đây để bố mẹ tham khảo và có thể nhận biết được sớm trẻ bị mắc bệnh Trào ngược bàng quang niệu quản.

1.    Đối tượng trẻ em có nguy cơ mắc bệnh Trào ngược bàng quang niệu quản

Có khoảng 1% tổng số trẻ em bị Trào ngược bàng quang niệu quản, phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 2 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì khả năng mắc bệnh càng cao nhưng cũng có thể xảy ra với trẻ lớn hơn, bao gồm các đối tượng sau:

-    Trẻ có bố mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh (ảnh hưởng bởi gen di truyền). 

-    Trẻ bị tổn thương thần kinh hoặc tủy sống (như tật nứt đốt sống) làm giảm chức năng co bóp bình thường của bàng quang để đào thải nước tiểu.

-    Có bất thường ở đường tiết niệu như hở van niệu đạo, teo bàng quang, dị tật niệu quản đôi, hẹp ở cổ bàng quang hoặc niệu đạo, ….

-    Rối loạn chức năng bàng quang và ruột

Ngoài ra, việc trẻ có thói quen nhịn tiểu hay nhịn đi ngoài nhiều cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh (do không đào thải nước tiểu ra khỏi cơ thể gây tăng áp lực cho bàng quang dẫn đến nước tiểu chảy ngược).

2.    Các triệu chứng nhận biết trẻ có thể đang mắc bệnh Trào ngược bàng quang niệu quản

Trẻ em bị Trào ngược bàng quang niệu quản hầu hết không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ, thường được chẩn đoán sau khi trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu kèm theo sốt, vì vậy các bố mẹ cần theo dõi nếu trẻ có các dấu hiệu sau:

-    Sốt không rõ nguyên nhân

-    Đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu

-    Nước tiểu đục, có mùi hôi hoặc nồng

-    Trẻ đi tiểu thường xuyên hoặc són tiểu

-    Đau bụng hoặc hạ sườn (giữa hông và xương sườn)

-    Trẻ chán ăn, tiêu chảy, nôn, chậm tăng cân hoặc có những thay đổi đáng kể trong tâm trạng như hay quấy khóc, ngủ li bì khó thức dậy,….

3.    Khi nào nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám, phát hiện và điều trị bệnh Trào ngược bàng quang niệu quản?

-    Trong gia đình có anh, chị, em hoặc bố mẹ mắc bệnh

-    Trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc có các triệu chứng nghi ngờ ở trên

Ngoài ra, một số trẻ cũng có thể được chẩn đoán mắc bệnh khi còn trong bụng mẹ nếu siêu âm thai nhi thấy có dấu hiệu niệu quản giãn, thận ứ nước, bể thận giãn,…. Do vậy siêu âm trước sinh cũng là một việc làm cần thiết để phát hiện bất thường ở hệ tiết niệu của trẻ, cũng như có sự theo dõi kiểm soát bệnh kịp thời sau khi sinh để có hướng điều trị phù hợp.

Trào ngược bàng quang niệu quản nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thường không gây đau đớn hay đe dọa tính mạng cho trẻ, bệnh có thể kiểm soát được và hoàn toàn có thể được chữa khỏi với các phương pháp điều trị hiện nay. Vì vậy bố mẹ đừng ngần ngại liên hệ với Vietmedic hay các cơ sở y tế khám chữa bệnh khi có thắc mắc, lo lắng cũng như chia sẻ về các nguy cơ hay triệu chứng bệnh của trẻ để được tư vấn.

 

Bài viết liên quan
0.28264 sec| 839.492 kb