Các phương pháp điều trị Trào ngược bàng quang niệu quản hiện nay
Trào ngược bàng quang niệu quản được phân loại thành các cấp độ từ nhẹ đến nặng, tùy theo độ nặng của bệnh và các yếu tố có liên quan mà bác sĩ sẽ đưa ra những tư vấn phù hợp, từ đó bố mẹ có thể lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất cho con mình.

1.    Điều trị nội khoa

1.1.    Giám sát tích cực

Trẻ em bị Trào ngược bàng quang niệu quản mức độ nhẹ có thể không cần điều trị mà bệnh sẽ tự cải thiện và khỏi theo thời gian, tuy nhiên cần phải theo dõi dưới sự giám sát của bác sĩ và tái khám thường xuyên để đảm bảo thận của trẻ đang phát triển bình thường. 

Sau khi Trào ngược bàng quang niệu quản tự khỏi, điều quan trọng bố mẹ cần biết rằng trẻ vẫn có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu, do vậy bố mẹ phải luôn đảm bảo khi phát hiện trẻ có dấu hiệu như sốt, đau rát khi đi tiểu, nước tiểu đục hoặc có mùi,…. thì cần báo ngay với bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời.

1.2.    Điều trị dự phòng bằng kháng sinh

Trong thời gian theo dõi Trào ngược bàng quang niệu quản có tự khỏi khi trẻ lớn hơn hay không, bác sĩ có thể cân nhắc việc sử dụng thuốc kháng sinh liều thấp mỗi ngày để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. 

Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh lâu dài có thể dẫn đến một số nguy cơ như: kéo dài thời gian điều trị, trẻ không tuân thủ phác đồ điều trị, tăng nguy cơ kháng kháng sinh, hơn nữa sẽ gây tác động có hại lên hệ vi sinh vật của đường ruột làm ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể của trẻ.

2.    Điều trị bằng phẫu thuật

2.1.    Phẫu thuật mổ mở tái tạo niệu quản

Thường áp dụng cho trào ngược nặng không cải thiện có kèm theo sẹo thận, nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại nhiều lần hay điều trị nội khoa không hiệu quả. Các bác sĩ sẽ phẫu thuật cắm lại niệu quản để nước tiểu chỉ chảy theo một hướng, ngăn nước tiểu chảy ngược trở lại niệu quản và thận.

Với phương pháp này, tỷ lệ thành công rất cao, tuy nhiên thời gian mổ kéo dài, trẻ phải nằm viện ít nhất là 7 ngày và mang ống thông tiểu, kèm theo việc trẻ sẽ bị đau vết mổ và có nhiều nguy cơ xảy ra biến chứng sau phẫu thuật.

2.2.    Phẫu thuật với sự hỗ trợ của robot

Tương tự như phẫu thuật mổ mở nhưng được thực hiện với sự hỗ trợ của robot và vết mổ sẽ nhỏ hơn, chỉ định cho trẻ em nặng từ 10 kg trở lên.

Ưu điểm của phương pháp này là các vết mổ nhỏ hơn sẽ giảm đau và giảm nguy cơ nhiễm trùng vết mổ cho trẻ, tuy nhiên hiếm khi được thực hiện ở trẻ nhỏ vì tỷ lệ thành công không cao và có thể nhiều biến chứng hơn so với phẫu thuật mổ mở. Ngoài ra, chi phí của phẫu thuật này khá cao.

2.3.    Can thiệp bằng nội soi qua đường tự nhiên

Bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ chất lỏng dạng gel (có thành phần dextranomer / axit hyaluronic) vào thành bàng quang gần lỗ niệu quản. Chất gel này tạo ra một khối phồng lên trong thành bàng quang, có tác dụng giống như van 1 chiều giữa niệu quản và bàng quang giúp ngăn nước tiểu chảy ngược về phía thận.

Phương pháp này có nhiều ưu điểm như: tỷ lệ thành công cao tương đương với phẫu thuật mổ mở nhưng rất ít nguy cơ biến chứng, bệnh nhân được về trong ngày, không để lại sẹo và thời gian hồi phục sau mổ ngắn, ngoài ra vật liệu tiêm an toàn mà chi phí không quá cao. 

Trào ngược bàng quang niệu quản là một bệnh lý phức tạp, các phương pháp điều trị như giám sát tích cực, điều trị dự phòng bằng kháng sinh liên tục, phẫu thuật cắm lại niệu quản hay nội soi tiêm chất tạo khối phồng đều là những lựa chọn có giá trị trong từng trường hợp và tùy theo độ nặng của bệnh. 

Tuy nhiên, mục tiêu của điều trị Trào ngược bàng quang niệu quản là ngăn ngừa tổn thương thận mà vẫn tránh được các nguy cơ có hại cho trẻ cũng như hạn chế phẫu thuật xâm lấn không cần thiết. Vì vậy, phương pháp điều trị can thiệp bằng nội soi tiêm gel dextranomer / axit hyaluronic được đánh giá là lựa chọn hàng đầu cho phần lớn trẻ em bị Trào ngược bàng quang niệu quản lâu khỏi. Phương pháp này hiện được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, tại Việt Nam đã được triển khai ở các bệnh viện lớn như Nhi đồng 2 và Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh, Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức.

 

Bài viết liên quan
0.50778 sec| 771.844 kb