Chăm sóc trẻ sau điều trị Trào ngược bàng quang niệu quản và phòng bệnh 
Trào ngược bàng quang niệu quản cùng với nhiễm trùng đường tiết niệu có thể ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe tổng thể và chức năng thận ở trẻ, do vậy với trẻ bình thường hay sau khi điều trị đều cần lưu ý các vấn đề sau để tránh rủi ro mắc bệnh hoặc bị tái phát, cũng như cải thiện và giữ cho đường tiết niệu của trẻ khỏe mạnh nhất có thể.

1. Các vấn đề cần tránh rủi ro mắc bệnh hoặc bị tái phát

- Tập và hướng dẫn cho trẻ thói quen đi vệ sinh sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Trẻ nên đi tiểu (làm rỗng bàng quang hoàn toàn) sau mỗi 2-3 giờ khi đang thức, tránh nhịn tiểu trong thời gian dài và vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách.

+ Với bé gái: lau từ trước ra sau (từ lỗ tiểu ra sau hậu môn) để tránh vi khuẩn vào lỗ tiểu gây nhiễm trùng. 

+ Với bé trai: quan sát trẻ đi tiểu nếu thấy phồng bao quy đầu hoặc tia tiểu nhỏ cần cho trẻ khám ngay vì trẻ có thể bị dài hoặc hẹp bao quy đầu. 

- Cắt bao quy đầu (với bé trai dưới 1 tuổi) giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng tiểu.

- Cần thay tã/bỉm (đối với trẻ sơ sinh) ngay lập tức khi bị bẩn, rửa sạch và lau khô cho trẻ trước khi mặc tã/bỉm mới.

- Cho trẻ thường xuyên uống đủ nước theo lời khuyên của bác sĩ (vì hầu hết trẻ chỉ uống khi khát), uống nước làm loãng nước tiểu và có thể giúp loại bỏ vi khuẩn. Nếu trẻ thường xuyên bị nhiễm trùng tiểu thì nên uống nhiều nước hơn.

- Tránh để trẻ bị táo bón, hoặc nếu bị táo bón thì cần điều trị kịp thời. Táo bón khiến bàng quang khó đào thải nước tiểu và tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. 

- Tránh để trẻ tiếp xúc với các chất kích thích như bia, rượu, cà phê,…, đặc biệt là khói thuốc lá.

2. Hướng dẫn chăm sóc với trẻ sau điều trị

Với trẻ sau điều trị, bố mẹ cùng trẻ cần thực hiện đúng theo lời dặn dò của bác sĩ. Trào ngược bàng quang niệu quản thường đi kèm với nhiễm trùng đường tiết niệu nên có thể gây đau cho trẻ, bố mẹ có thể giảm bớt sự khó chịu của trẻ bằng cách chườm khăn ấm lên bụng trẻ, hơi ấm có thể giúp trẻ giảm cảm giác đau, tuy nhiên cần đảm bảo khăn chườm chỉ ấm, không nóng.

Ngoài ra, khuyến khích trẻ tập thể dục nhẹ nhàng, đảm bảo các bữa ăn cân bằng và bổ dưỡng. Chế độ dinh dưỡng và luyện tập dưới đây sẽ giúp trẻ có cơ thể khỏe mạnh hơn:

-    Uống nhiều nước (khoảng 1-2 lít/ ngày tùy cân nặng hoặc theo lời khuyên của Bác sĩ), bổ sung thêm nước cam, chanh để hạn chế bệnh viêm và sỏi đường tiết niệu.

-    Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung các loại vitamin cũng như ăn nhiều loại rau củ quả để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

-    Luyện tập cơ bàng quang (đối với trẻ em bị rối loạn chức năng bàng quang) bằng cách từ bỏ thói quen nhịn tiểu, tập phản hồi sinh học có thể được sử dụng cho trẻ trên 5 tuổi.

-    Ngăn chặn táo bón bằng chế độ ăn nhiều chất xơ và uống đủ nước. Nếu điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý nhưng táo bón không khỏi, có thể cho trẻ uống thuốc nhuận tràng.

3. Lưu ý quan trọng

Cần cho trẻ tái khám định kỳ theo chỉ định của Bác sĩ và liên hệ ngay với bác sĩ nếu sau phẫu thuật trẻ có 1 trong các dấu hiệu sau:

-    Trong vòng 8 đến 10 giờ trẻ không đi tiểu hoặc sợ đi tiểu.

-    Bị đau khi đi tiểu hơn hai ngày sau khi làm thủ thuật.

-    Đau dữ dội ở bụng, lưng, hông hoặc mạn sườn.

-    Sốt cao hơn 38,6 độ C

-    Tình trạng co thắt bàng quang ngày càng trầm trọng hơn và không giảm trong vòng 24 giờ.

-    Nôn nhiều.

Hi vọng những thông tin trên đây do Vietmedic cung cấp sẽ giúp bố mẹ thêm kiến thức, vững tin hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ, quan trọng là giúp giữ gìn hệ tiết niệu khỏe mạnh, giảm các rủi ro liên quan đến bệnh Trào ngược bàng quan niệu quản và nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ.

 

Bài viết liên quan
0.13780 sec| 839.289 kb